Thứ Bảy, 17 tháng 1, 2015

Sách "Mỗi đứa trẻ một cách học"

Đối tượng quyển sách hướng đến là giáo viên và cha mẹ của những đứa trẻ - những người luôn mong muốn trẻ có được kết quả học tập xuất sắc tại trường và đặc biệt là có niềm say mê, hứng thú với việc học. Tuy nhiên, mong muốn đó ko phải lúc nào cũng trở thành hiện thực. Tại sao vậy? Sau tất cả những tình yêu thường, sự kiên định, nỗ lực, điều quyết định cuối cùng là phương pháp đúng.

"Chỉ khi nhìn nhận mỗi đứa trẻ là một cá thể với một cá tính riêng biệt, bạn mới không đi vào lối mòn dập khuôn và làm lệch lạc thiên hướng của trẻ. Khi xác định đúng phong cách học của trẻ, bạn có thể khơi dậy khả năng tiềm tàng của trẻ".

Quyển sách giúp mình hiểu được mỗi người có một phong cách khác nhau khi học và hiểu ra tại sao lúc nhỏ, điểm của mình thường cao trong khi các bạn khác thì không. Lí do không phải là mình thông minh hơn các bạn mà bởi vì phong cách dạy và kiểm tra ở trường phù hợp với phong cách học của mình. Từ đó có thể thấy, cách dạy và học hiện nay tại trường học đang giới hạn khả năng tiềm ẩn của rất nhiều học sinh. 

Điều đó có lợi có hại, mình cũng không biết nữa. Những đứa trẻ có kết quả tốt ở trường học thường là những đứa trẻ theo thiên hướng "cụ thể-theo trình tự", phù hợp với các nghề nghiên cứu, làm khoa học, ít giao tiếp. Trong khi những đứa trẻ theo các thiên hướng khác thì thường thành công trong xã hội nhiều hơn. Chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều này đúng hay sai, chỉ là suy nghĩ cá nhân của mình thôi: có tác động nào tích cực trong việc đánh giá kết quả tệ cho những đứa trẻ không thích môi trường học hiện tại ở trường lớp không? 

Và phong cách học của mỗi đứa trẻ có phải là bẩm sinh, hay do đâu mà có? Quyển sách ko đề cập đến vấn đề này. Như mình nhớ, việc học của mình hồi lớp 1 không có gì ấn tượng nhưng từ cuối năm lớp 2, sau khi xếp đầu kì thi học sinh giỏi của trường, mình mới được giáo viên chú ý. Vậy trong khoảng thời gian từ lớp 1 đến cuối lớp 2, đã có gì đó thay đổi? Trí nhớ của mình không lưu lại bất kì sự kiện gì tác động đến việc học và cũng không có bất cứ một sự nỗ lực quá đáng trong việc học. Mình chỉ thực sự học hành tử tế, nỗ lực hơn từ sau sự kiện đó thôi.

Quay về hiện tại, quyển sách giúp mình hiểu ra phong cách học của mình và phong cách đó vẫn duy trì trong công việc hiện tại của mình. Mình cũng hiểu tại sao mình cảm thấy rất khó làm việc với một số người trong cùng dự án: do phong cách của mình và những người đó khác nhau nên làm việc với nhau giống như những người nói những ngôn ngữ khác nhau vậy. Hiểu được sự khác biệt này, hi vọng có thể giúp mình làm việc tốt hơn với mọi người :)



Thứ Ba, 13 tháng 1, 2015

Sách "Lỗ hổng giảng dạy" (The teaching gap) - Phần 3 - hướng nào cho giảng dạy toán học tại Mỹ

Sau khi nghiên cứu rất kĩ mô hình nghiên cứu bài học tại Nhật, nghiên cứu đưa ra một số phương án để có thể áp dụng mô hình này tại Mỹ. Cơ bản là cần phải có sự vào cuộc của toàn thể giáo viên và cả hệ thống giáo dục tại Mỹ. Mình đọc xong, mình thấy phải cần có sự kiên trì, quyết tâm lâu dài thì mới có thể làm được như vậy, chứ chưa nói bao giờ những hoạt động đó mang lại hiệu quả. Đành phải chấp nhận thôi, giảng dạy là một hoạt động văn hoá mà.

Nghiên cứu cũng chỉ ra một vấn đề là giáo viên tại Mỹ không được coi trọng, họ chỉ là người thi hành những kết quả nghiên cứu, và sau hết, là người bị đổ lỗi nhiều nhất khi việc thay đổi giáo dục không có hiệu quả. Những nhà nghiên cứu nhấn mạnh là giáo viên cần được tôn trọng hơn và được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động nghiên cứu giảng dạy. Chính giảng dạy mới là đối tượng cần cải cách hơn cả, chứ không phải chỉ có đi tìm giáo viên giỏi. Hơn thế nữa, việc giảng dạy cũng cần được chuyên nghiệp hoá, cần có chuẩn mực rõ ràng, thay vì dạy học mang nặng tính cá nhân và ít tính chia sẻ như hiện tại

Quay lại mô hình nghiên cứu bài học tại Nhật, các nhà nghiên cứu đặt câu hỏi rằng liệu đó có phải là cách tốt và phù hợp để Mỹ áp dụng không. Để đi tìm câu trả lời, dự án mở rộng nghiên cứu việc giảng dạy của các nước có học sinh đạt kết quả cao ở môn Toán. Sự mở rộng này mang lại kết quả là họ rút ra được những điểm chung trong việc dạy toán ở các nước này: dạy toán tập trung vào việc giúp h.s hưng thú với các khái niệm Toán học cốt lõi và các bước giải toán chính. Mặc dù cách dạy ở các nước này không giống nhau, nhưng giáo viên cần hiểu được rằng có rất nhiều cách giảng dạy khác nhau để giúp hs đạt kết quả cao và từ đó học hỏi, cải tiến việc giảng dạy của mình.

Động lực nào cho giáo viên thay đổi? Thay vì làm theo những kết quả nghiên cứu, chính gv sẽ cải tiến bài giảng của mình dần dần bằng cách chia sẻ, học hỏi. Đay là một cách học-để-dạy. Qua quá trình này, bản thân gv sẽ tiến bộ - động lực quan trọng nhất trong quá trình này.

Vân vân và vân vân. Túm lại là đọc các chương cuối, mình vẫn thấy quá mông lung vì để cần thay đổi, cần rất nhiều nỗ lực lâu dài của rất nhiều người, rất nhiều yếu tố cần cho việc thay đổi này. Làm giáo dục được hơn một năm, mình cũng nhận thấy rất khó để có được cái gì đột phá ngay được, cần phải kiên trì tưng bước từng bước một.

Nghĩ về việc dạy toán ở Việt Nam, theo như cuốn sách này mô tả về Mỹ, thì mình đánh giá là việc dạy toán ở VN tốt hơn. Tuy nhiên, giáo dục VN có thể học hỏi gì? Theo mình, thay vì suốt ngày nỗ lực cải cách thi cử, sách giáo khoa mà không có một căn cứ rõ ràng thì nên có những nghiên cứu về giảng dạy hiện tại, đang có vấn đề gì, có thể cải tiến chỗ nào. Tính ra, mình cũng chưa thấy có dự án nào nghiên cứu tử tế đàng hoàng về giáo dục VN. Đọc xong cuốn sách này, muốn làm một cái quá đi :)

Thầy cô nào "trót" đọc được bài này hoặc đã đọc cuốn sách này, em cũng mong thầy cô sẽ học theo những kết quả nghiên cứu khuyến khích. Mỗi một thầy cô nỗ lực sẽ tạo nên sự thay đổi nhỏ, nhiều thầy cô, nhiều thế hệ se góp lại được những thay đổi đáng kể. Cám ơn thầy cô!

Thứ Hai, 5 tháng 1, 2015

Sách "Lỗ hổng giảng dạy" (The teaching gap) - Phần 2 - Phương pháp cải tiến giảng dạy tại Nhật

Mình đọc những chương tiếp theo của quyển sách trong quá trình lang thang ở Campuchia 4 ngày nên có nhiều thời gian để nghiền ngẫm hơn.

Người dân Việt Nam vẫn hay kêu ca là tại sao giáo dục cứ cải cách hoài, để học sinh suốt ngày lo lắng nên học như nào, thi như nào. Thực tế là ở các nước như Nhật, Mỹ đều vẫn nghiên cứu để cải tiến nền giáo dục sao cho tốt hơn. Nước nào cũng có những vấn đề riêng của mình trong giáo dục và vì giáo dục là lĩnh vực được quan tâm hàng đầu ở bất cứ nước nào nên việc cải tiến là rất quan trọng.

Tuy nhiên, cải cách giáo dục ở mỗi nước lại được tiến hành theo những cách thức rất khác nhau. Quyển sách chỉ ra sự khác biệt này giữa Mỹ và Nhật, từ đó lí giải vì sao giáo dục ở Mỹ không có biến đổi gì trong vòng 100 năm nay và tại sao nền giáo dục của Nhật ngày càng đi lên.

Đầu tiên phải đồng ý rằng dạy học là một hoạt động văn hóa. Các nhà nghiên cứu đã rút ra điều này khi xem video, không phải là từ sự khác nhau giữa video dạy học giữa các nước mà chính là sự đồng nhất trong cách dạy của giáo viên trong cùng một nước. Giáo viên trong cùng một nước thì dạy cơ bản là giống nhau. Hoạt động dạy học gần như thay đổi rất ít theo thời gian do những người làm giáo viên đều từng là học sinh, đã lĩnh hội các cách giảng dạy từ khi còn nhỏ và rất nhiều năm sau đó trên ghế nhà trường. Không chỉ có giáo viên nằm trong hệ thống văn hóa đó, học sinh, cơ sở vật chất, phương pháp... theo như cách nghiên cứu trong quyển sách chỉ ra, đều có tính ổn định, chứng tỏ dạy học là hệ thống văn hóa. Mà văn hóa thì không thể đùng một cái nói thay đổi là thay đổi được mà cần phải mất thời gian và cần có sự kiên trì.

Và bây giờ xem xét việc cải cách giáo dục ở hai nước:

Mỹ

Cách thức: 

Các nhà nghiên cứu giáo dục Mỹ tiến hành các nghiên cứu để đánh giá và đưa ra giải pháp, sau đó giáo viên được cung cấp giải pháp thông qua những tài liệu hướng dẫn và áp dụng vào lớp học của mình. Những công cuộc cải cách này cứ được tiến hành hết lần này đến lần khác.

Kết quả:

Gần như không có thay đổi gì, thậm chí còn tệ hơn.

Lí do:

Giáo viên được hướng dẫn về công cuộc cải cách một cách sơ sài và không nhận được hỗ trợ trong quá trình thực thi nên giáo viên hiểu sai về việc thực thi đó. Giống như câu chuyện: những nhà truyền giáo được yêu cầu hướng dẫn người dân Yemen chuyển lên ngồi ăn trên bàn thay vì ngồi dưới đất; khi người ta đến khảo sát kết quả thì thấy rằng người dân Yemen đúng là ngồi trên bàn để ăn nhưng là trên cái bàn úp ngược 4 chân lên trời :)

Những nhà nghiên cứu không phải người giảng dạy nên họ không thực sự hiểu vấn đề thực sự của giáo viên & học sinh. Họ thường dựa trên những con số để đánh giá và đưa ra giải pháp mà không có sự đóng góp của giáo viên trong nghiên cứu dẫn đến kết quả nghiên cứu xa rời thực tế còn giáo viên không hiểu rõ tinh thần cải cách nên thường thực hiện không đúng, không tới và khi thực hiện không có hiệu quả, dễ bị nản lòng.

GV không chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Giáo viên lấy lí do sự khác biệt giữa mỗi HS nên không thể áp dụng cách của GV này cho GV kia, cách dạy của GV là tùy thuộc vào GV, chương trình dạy thậm chí cũng rất khác nhau giữa các GV nên việc cải cách giảng dạy gần như không được chia sẻ, kế thừa giữa các GV.

Nhật

Cách thức: 

Ở Nhật có một hoạt động nghiên cứu bài học gọi là kounaikenshu. Tất cả giáo viên đều phải tham gia hoạt động này và nó được tiến hành đều đặn hàng tuần, hàng tháng, hàng quý ở nhiều quy mô khác nhau, nhỏ nhất là trong 1 nhóm giáo viên trong cùng bộ môn. Trong hoạt động này, giáo viên sẽ thảo luận về một chủ đề nào đó, thường là các vấn đề rất nhỏ trong một bài học cụ thể nào đó. Quy trình như sau:
Đưa ra vấn đề -> Thảo luận giải pháp -> Thử nghiệm tại lớp học -> Đánh giá và thay đổi -> Thử nghiệm nhiều lần tiếp theo tại lớp học -> Chia sẻ tại hội thảo quy mô lớn hơn và xuất bản.

Đọc cụ thể một ví dụ mới thấy là giáo viên Nhật họ quan tâm đến từng chi tiết rất bé. Chỉ đơn giản như bài toán lớp 4 có nhắc đến số lượng thành viên trong gia đình, GV sẽ thảo luận nên lấy con số như nào cho phù hợp.

Kết quả:

Các vấn đề được đưa ra rất nhỏ nên việc cải cách cũng chỉ có kết quả rất nhỏ, tuy nhiên chính vì kiên trì thực hiện những thay đổi nhỏ mà việc giáo dục của Nhật cứ vậy mà đi lên.

Lí do:

Giáo viên đóng vai trò chính trong việc cải cách giáo dục. Họ hiểu vấn đề trong lớp học, họ cùng tìm giải pháp và có cả lớp học để thử nghiệm những cải cách đó. GV Nhật nghĩ rằng: "Nếu họ không làm nghiên cứu bài học thì họ không phải giáo viên", tức là hoạt động cải tiến việc giảng dạy là một phần cv tất yếu của GV Nhật.

GV có môi trường để học hỏi, chia sẻ để cùng tiến bộ. Các buổi nghiên cứu bài học mặc định là hoạt động của GV ở tất cả các trường ở Nhật. Chương trình ở Nhật thì đồng nhất trên cả nước nên các kết quả cải tiến nghiên cứu ra có thể áp dụng ở trên khắp nước Nhật.

Kết luận

Rõ ràng dạy học là một hoạt động văn hóa nên cứ tiếp tục áp dụng cách làm của Mỹ thì rất khó để thay đổi. Vậy Mỹ có thể áp dụng cách làm của Nhật hay không? Theo như quyển sách nói thì người Mỹ thích những gì nhìn thấy ngay được kết quả, những cải cách hoành tráng, quy mô lớn, nên cơ bản là khó áp dụng. Quyển sách sẽ chỉ ra cách áp dụng. Mình sẽ đọc và update trong phần tiếp theo.

Còn Việt Nam?
Trong lúc đọc quyển sách này, mình nghĩ về 2 thứ: việc cải cách giáo dục ở VN và dự án giáo dục trực tuyến mình đang làm.
1. Cải cách giáo dục ở VN hiện tại
Các bác ở trên vẫn cố gắng cải cách bằng rất nhiều cách khác nhau: cải cách sách giáo khoa, cải cách chương trình thi, cập nhật công nghệ vào giảng dạy... mà có vẻ cũng loay hoay chưa biết sẽ đi đâu về đâu, học sinh hoang mang, giáo viên bối rối, gia đình lo sợ, xã hội chỉ trích...

Vấn đề của VN có vẻ khá giống vấn đề của giáo dục Mỹ trong việc cải cách giáo dục. VN có nên học hỏi Nhật trong việc cải cách? Với văn hóa làm việc quy củ, kỉ cương như người Nhật, việc gì thấy cũng có thể, còn VN, liệu có áp dụng được cách đấy? Mình cũng không biết nữa, nhưng mình hi vọng sẽ tìm được gì đó sau khi đọc xong cuốn sách.

2. Công việc mình đang làm
Cơ bản là cũng gặp vấn đề tương tự. Thay vì giải quyết những vấn đề bé xíu đang tồn tại, mình cứ bị mơ mộng những cái cao xa đâu đó, hết thay đổi định hướng này đến định hướng khác. Rút cục là vấn đề thì vấn còn đó, thậm chí nảy sinh nhiều vấn đề mới mà không bao giờ giải quyết được.

Phần 3 - Hướng nào cho giảng dạy Toán tại Mỹ



Thứ Ba, 30 tháng 12, 2014

Sách "Lỗ hổng giảng dạy" (The teaching gap) - Phần 1 - Điểm khác nhau trong việc giảng dạy tại 3 nước Mỹ, Đức, Nhật

Quyển sách mở đầu bằng việc nêu vấn đề: cách thức giảng dạy của giáo viên Mỹ (trong môn Toán) gần như không thay đổi trong suốt 100 năm qua. Học sinh Mỹ "dốt" Toán hơn học sinh nhiều nước khác. Mặc dù nước Mỹ luôn cố găng tuyển chọn người giỏi để làm giáo viên, tuyển những giáo viên tốt nhất, cũng ko nhiều khác biệt lắm trong cách thức giảng dạy, từ người dốt -> giỏi, từ quá khứ -> hiện tại. Họ kết luận việc giảng dạy chứ không phải giáo viên mới là cái cần quan tâm => cần nghiên cứu việc giảng dạy.

Quyển sách nói về một nghiên cứu mục tiêu để:
1. Tìm hiểu về cách giảng dạy tại Mỹ
2. Tìm hiểu về cách giảng dạy tại các nước khác (hai nước được chọn nghiên cứu là Nhật, Đức)

Phương pháp + cách thức nghiên cứu để đưa ra kết luận trong cuốn sách này được mô tả rất chi tiết 
... giúp mình hiểu được một dự án nghiên cứu ở Mỹ sẽ được tiến hành như thế nào (mặc dù mình cũng không biết đây có phải là case nghiên cứu điển hình không).  Người ta đi vòng quanh 3 nước này để quay video các bài giảng của giáo viên được chọn ngẫu nhiên, đồng thời cho các học sinh làm một bài kiểm tra trình độ. Bài giảng được chọn là toán lớp 8. Số lượng người tham gia quay video chỉ có 3 người (mỗi người/nước), nên không thể ảo tưởng là vì Mỹ có nhiều tiền nên họ có thể làm nghiên cứu hoành tráng được. Cái cần thiết nhất chính là để tìm ra mô hình, cách thức lấy dữ liệu sao để đạt được cái mình muốn, họ phải nghiên cứu trước đó rất nhiều. 
Sau khi thu thập dữ liệu, họ có thể mời được nhiều nhà toán học, nhà nghiên cứu khác để cùng đánh giá các video. Từ việc đưa ra nhận định, họ chuyển những nhận định đó thành những kết luận có chứng cứ và số liệu bằng các mã hóa video (mã hóa video là chuyển băng ghi hình thành thông tin). Họ còn nhờ các nhóm nghiên cứu Toán khác giúp họ đánh giá chất lượng bài giảng của các nước.

Điểm khác biệt cơ bản giữa cách giảng dạy ở 3 nước

Có rất nhiều điểm khác biệt rút ra về nội dung, trình độ nội dung, bản chất nội dung, tính mạch lạc của nội dung, cách tổ chức lớp học...
Có một giáo sư đã nhận xét như này: "Trong giờ dạy ở Nhật, một bên là Toán học, một bên là học sinh. Học sinh học Toán và giáo viên là trung gian của mối quan hệ này. Ở Đức, thì giáo viên là người nắm giữ Toán học và phân phát cho học sinh bằng những sự việc hoặc những lời giải thích lúc cần thiết. Ở Mỹ, thì có giáo viên và có học sinh. Tôi gặp rắc rối trong việc tìm kiếm môn Toán; tôi chỉ thấy sự đối thoại giữa giáo viên và học sinh."
Mình không quan tâm đến sự khác biệt này lắm, vì không trực tiếp xem video nên khó mà hiểu hết được câu nói này. Mình có thể thấy nhiều sự mới lạ như sau:

- Ở Nhật: 
Việc học không hề cứng nhắc như mình vẫn nghĩ. Giáo viên cho học sinh làm việc nhóm rất nhiều (Ở VN thì dễ có tư tưởng môn Toán thì có gì mà làm việc nhóm) và học sinh được phép hỏi giáo viên thoải mái. Việc họ đưa ra vấn đề rất hay: Để học sinh tự phát triển bài toán lên khó hơn từ bài toán đã có.
Có cái hay là giáo viên yêu cầu HS đọc đi đọc lại, theo nhóm rồi cá nhân và học thuộc những câu kiểu như "học toán để phát triển tư duy logic".

GV Nhật sử dụng bảng phấn và cố gắng để HS hiểu toàn bộ vấn đề một cách logic và tổng quan.

- Ở Đức: 
Có vẻ khá giống cách dạy ở VN. Thầy giáo hướng dẫn học sinh dần dần để học sinh làm bài tập dễ rồi đến khó, từ định nghĩa đến chứng minh. (Quyển sách nói ít về Đức mà tập trung so sánh Nhật + Mỹ nên cũng không cần quan tâm lắm).

- Ở Mỹ: 
Trước đây mình có xem phim về lớp học của Mỹ, thấy giáo viên hỏi kiểu mớm mớm cho học sinh, tưởng là chỉ vui đùa trên phim thôi. Các kiểu câu hỏi như: "Thầy: Nếu kéo điểm D xuống đây, thì thầy vẫn có mấy góc? - HS: 6 góc", "Thầy: 5 cạnh, trừ 2 bằng 3 rồi nhân với 180 thì tổng số đo góc là? - HS: 590 độ - Thầy: 540 độ".
Nội dung học Toán ở Mỹ khá dễ so với trình độ tại Việt Nam, và thầy giáo không tập trung đi sâu vào hiểu Toán học như ở Nhật, Đức (hay VN) mà chủ yếu giúp HS học thuộc định nghĩa, giải bài tập theo cách giải đã có sẵn. Ngay khi HS gặp vấn đề, GV sẽ ngay lập tức đưa cách giải cho HS. Cơ bản ở Mỹ, HS không đang được học Toán để hiểu Toán.

GV Mỹ sử dụng slide và cố gắng để thu hút HS vào từng phần của bài học.

Tổng kết lại

GV Mỹ quan niệm Toán học khó và nhàm chán, nên cố gắng thu hút HS bằng những vấn đề ngoài lề thú vị hơn. GV Nhật quan niệm bản thân việc học Toán là thú vị nên họ cố gắng giúp HS đào sâu, tìm hiểu những điều thú vị trong toán học.

Các bước trong một giờ học cơ bản là giống nhau giữa 3 nước: ôn bài cũ -> GV trình bày bài mới -> HS luyện tập tại chỗ, tuy nhiên vai trò của mỗi bước lại khác nhau giữa các nước. "Ở Đức, GV trình bày khá lâu về việc triển khai các bước giải toán và hoạt động theo lớp dưới sự hướng dẫn của GV. Ở Nhật, GV trình bày vấn đề nhằm mục đích để HS tự tìm ra các bước giải toán (riêng lẻ hoặc theo nhóm). Ở Mỹ, việc trình bày vấn đề là để minh họa phương pháp giải toán và từ đó HS có cơ sở để luyện tập".

Điều quan trọng nhất rút ra sau khi các nhà nghiên cứu xem video lại không phải là sự khác biệt về cách giảng dạy giữa các nước mà chính là sự đồng nhất như một hệ thống về cách giảng dạy ở mỗi nước. Tại sao điều này lại quan trọng? Đọc tiếp phần 2 thì biết :P

Phần 2: Phương pháp cải tiến việc giảng dạy tại Nhật

Chủ Nhật, 22 tháng 6, 2014

Phim "Into the wild"

Phim này xem làm 3 lần mới hết. 15 phút đầu thấy chán, cũng ko có gì đặc sắc (lại xem vào buổi sáng sớm) nên tắt đi, làm việc vào giờ này có vẻ có happy hơn ^_^ Hôm sau, đang xem thì ngủ quên. Sau khi ngủ dậy vì tiếng chó sủa dữ dội trong phim thì quay đi làm đủ thứ linh tinh (đọc sách, lượn lờ) mới quay lại xem phim bộ phim. Rất may là lần xem thứ 3 mới cảm thấy phim hay - hay thực sự.

Phim kể về một cậu bé 23 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học đã bỏ lại mọi thứ, ko cần tiền, đi lang thang, lấy tên mình là Alexander SuperTramp (Alex siêu lang thang). Mình không ấn tượng lắm về những gì cậu bé đã trải qua, những cảnh sắc thiên nhiên có trong phim. Nếu nói đây là một bộ phim hay về khám phá, về những điều kì thú, kì diệu của cuộc sống thiên nhiên thì sai lầm hoàn toàn. Hơn nữa, phim được sản xuất từ năm 1997, kể về một câu chuyện có thực (chuyển thể từ 1 cuốn tiểu thuyết) từ năm 1991, những điều kì thú cho đến nay (2014) có thể đã vượt qua limit khám phá của phim này quá xa nên ko để lại ấn tượng manh cho mình cũng nên.

Điều mình thấy hay ở bộ phim này là mình biết những "cậu bé ấy" ngoài đời thực. Bộ phim cho mình một niềm tin vào cuộc sống của những con người ấy, giống như niềm tin của người kể (em gái của n.v Alex).

Alex có một cuộc sống gia đình không hạnh phúc (do ba mẹ) và có những ấn tượng tuổi thơ thực sự gây tác động nhiều đến tâm lý, tình cảm. Alex không tìm được ý nghĩa c/s ở  thành phố, không chịu được c/s phụ thuộc vào vật chất và sau khi tốt nghiệp đại học, Alex quyết định đi lang thang, đi vào hoang dã để sinh tồn. Mặc dù vậy, cậu cũng gặp rất nhiều người tốt và đi đến đâu cũng để lại tình cảm quý mến, thương nhớ cho nơi cậu từng qua.

Tuy vậy, Alex thực sự có những tổn thương về mặt tình cảm. Tưởng như là 1 cậu bé bị bệnh tự kỉ, hay một loại bệnh tâm thần tương tự. Cậu tìm những người hiểu mình trong sách. Nhiều lúc thấy cậu cô độc. Nhiều lúc thấy cậu buồn, vì ko có người đồng cảm. Nhưng trên con đường của mình, dần dần cậu biết là mình không đơn độc, ko vô cảm, có thêm bạn bè - những người đồng cảm. Cậu hóa ra lại là một người rất tình cảm, rất vị tha, bao la :)) Và cũng trên con đường ấy, cậu tìm được mình, trải nghiệm và trưởng thành.

Trên hết là cậu sống theo cách mình muốn, vượt trên những nhu cầu vật chất, bỏ lại hết những gì xã hội - phải cậu ghét xã hội - coi trọng. Và cậu đi đến đâu, cũng mang đến cho người ta một niềm tin vào cậu bé thuần khiết này, vào cuộc sống đúng ước mơ. Chỉ có điều không ai có đủ dũng cảm như cậu bé ấy.

Túm lại là xem xong phim, chắc ai cũng phải ngẫm lại mình đang làm cái quái gì trong cái thế giới này? Mình lại bừng lên cái cảm giác muốn lang thang, muốn bước chân đi mà không quan tâm đến bất cứ cái gì. Một dạng ích kỉ cao nhất :)) Cơ mà chắc là chưa đủ dũng cảm. Chờ thêm chừng nửa năm nữa nhé :) Bởi, mình còn "cửa hàng đồ da" ở đây ^_^

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

The E-myth: Để xây dựng Doanh nghiệp hiệu quả - Micheal E. Gerber

Link giới thiệu: http://tiki.vn/de-xay-dung-doanh-nghiep-hieu-qua-p63385.html

Đọc cuốn sách này xong, thực sự muốn nhảy vào làm startup để xem thực sự mình sẽ đối mặt với những thử thách ấy như thế nào. Nhưng chuyện đó để sau. Một số điều mình rút ra được từ cuốn sách này (đ/v người muốn hoặc đang làm startup)

1. Cuốn sách đưa ra 3 vai trò chính của một người làm doanh nghiệp: doanh nhân, quản lý, chuyên môn. Mình xuất thân là dân kĩ thuật, nên tư duy của người làm chuyên môn khá nổi bật. Quản lý thì cũng same same. Còn riêng tư duy của doanh nhân thì bây giờ mới tập tọe. Mà thực ra tư duy doanh nhân mới chính là yếu tố then chốt để làm chủ một doanh nghiệp. => Túm lại là phải học làm doanh nhân, trau dồi thêm kĩ năng quản lý và giảm bớt công việc chuyên môn.

2. Doanh nhân là người luôn mơ mộng, nghĩ ra rất nhiều ý tưởng. Doanh nhân sẽ vạch ra tương lai trước, mới vạch ra các công việc hiện tại cần làm để hướng đến tương lai đó. Ngược lại, nhà chuyên môn sẽ nhìn thực tại có cái gì và đưa ra tương lai trên thực tại đó.

3. Doanh nghiệp phản ánh con người chủ doanh nghiệp. Tính cách con người chủ doanh nghiệp như thế nào, doanh nghiệp sẽ như thế ấy. Thế nên việc phát triển doanh nghiệp có thể qui về việc phát triển bản thân chủ doanh nghiệp trong việc điều hành doanh nghiệp.

4. Việc làm sản phẩm nào không quan trọng. Với góc nhìn của doanh nhân, doanh nghiệp mới là sản phẩm. Từ đó có thể có cái nhìn khác hơn rất nhiều về sản phẩm. Đọc case study về vụ mua bán quyền kinh doanh sản phẩm McDonald's, sẽ thấy McDonald's tốt ở chỗ: có qui trình làm humburger đơn giản - trẻ con cũng làm được, nhanh, rẻ => có thể nhân rộng ra dễ dàng. Rõ ràng thương hiệu McDonald's mới chính là sản phẩm.
Hay từ đó có thể có cái nhìn khác về chuyên môn: Doanh nhân không nên làm công việc chuyên môn, mà nên tuyển người giỏi chuyên môn để làm. Tốt nhất, làm sao để cv chuyên môn đơn giản: muốn thế, có thể tuyển 1 người giỏi làm ra qui trình tốt, hơn là tuyển nhiều người giỏi. Qui trình tốt tạo nên doanh nghiệp có thể phát triển lớn.

(continued)

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2014

"Lớp học" chia ruộng

Thời gian gần đây, làng quê mình đang diễn ra một hoạt động gọi là "Dồn điền đổi thửa". Việc làm này quả thực là tốt. Trước đây mỗi nhà có nhiều mảnh ruộng nhỏ, phân tán ở nhiều xứ đồng, thì bây giờ được dồn về một khu, các công việc cày bừa, thăm đồng, chăm bón, tưới tiêu đều giảm chi phí cho người nông dân. Thế nhưng xung quanh việc "dồn điền đổi thửa" này, lại có quá nhiều bất cập.

Riêng việc có nên triển khai việc "dồn điền đổi thửa" hay không, người ý kiến ra kẻ ý kiến vào, cụm dân cư của mình cũng phải họp bàn toàn dân để thống nhất ý kiến mất mấy... chục buổi mới thuyết phục được người nông dân đồng ý (trong khi lợi ích của nó rõ rành rành ra thế). Lí do có lẽ là vì có những hộ có ruộng tốt, tiện tưới tiêu, không muốn đổi đi, mất chỗ tốt. Thế mới thấy nông dân cụm mình còn thiếu hiểu biết, canh tác manh mún quen rồi, người ta bày cho cách hay mà không biết, cứ khư khư giữ sào đất bé tí làm cái gì không biết. Đất không tốt, cải tạo mấy hồi mà tốt. Nước không tiện thì đề nghị làm thêm mương máng. Có gì đâu. Rút cục là cũng thống nhất được, thậm chí còn đáp ứng nhu cầu đến ruộng từng nhà.

Cụm mình sau nửa năm họp bàn, lên kế hoạch, triển khai thì cũng xong, ngay trước tết âm lịch. Về nhà, nhìn thửa ruộng nhà mình dồn lại, tầm 7-8 sào cũng chẳng to lắm. Nhìn ra các thửa bên cạnh, sau khi "dồn điền" xong, cách thức canh tác vẫn thế, không thay đổi gì, ngẫm mà thấy ngán. Từ vụ "dồn điền đổi thửa" này, mình mới để ý là từ đời ông bà đến đời bố mẹ, gần như cách thức canh tác chẳng thay đổi gì (ngoài việc sử dụng giống mới, phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn). Hi vọng là với mảnh ruộng to hơn, người nông dân sẽ dần dần nghĩ được lớn hơn.

Sáng nay đi chợ, mấy bà con gái túm năm tụm bảy bàn chuyện "dồn điền đổi thửa", nghe nói mấy cụm cùng xã vẫn chưa chia xong ruộng đất. Nguyên nhân nghe đâu là thiếu ruộng, còn một vài hộ chưa có đất để chia. Thêm một vài thông tin nữa: trong quá trình đo đạc, hộ của một vài cán bộ thì thừa diện tích, còn ruộng của dân thì thiếu (so với sổ sách). Vụ cấy đã bắt đầu rồi, mà chưa chia xong đất, cán bộ làm thế nào để dân không kêu đây?

Cụm mình chia xong đất rồi, nhưng thỉnh thoảng lại thấy người đến hỏi ông cụm trưởng:
- Ông cụm trưởng ơi, thằng kia cấy vào phần đường đi chung.
- Thưa ông cụm trưởng, ruộng nhà tôi bị thiếu diện tích, ông ko cho người đo lại, tôi kiện lên tận huyện.
- Ông hứa cho người san ruộng cho tôi mà, sao bây giờ vẫn chưa thấy.
- San ruộng kiểu gì thế này, ông có để cho người ta cấy không hả?
- Ông cho tôi thêm một sào, tôi trả ông ... được không?

Ông cụm trưởng lương tháng được chục cân thóc lắc đầu: sao giống hồi ngày xưa đi học, hai thằng kẻ một vạch giữa bàn, cấm ngồi lấn sang. Cái tay mà quá vạch sang bên kia một tí là thưa cô :))